NỘI DUNG

 1. Thiếu máu não là gì?

 2. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu máu não

 2.1. Do cơ thể người chứa các bệnh lý tiềm ẩn

 2.2. Do các hoạt động có trong lối sống sinh hoạt hàng ngày

 3. Những dấu hiệu khi mắc phải tình trạng thiếu máu não ít ai ngờ tới

 4. Tại sao tình trạng thiếu máu não hiện nay ngày càng trẻ hóa?

 5. Điều trị và phòng ngừa tình trạng thiếu máu não như thế nào?

 6. Một số thực phẩm nên sử dụng khi bị thiếu máu não

 

1. Thiếu máu não là gì?

thiếu máu não là gì

Là tình trạng lượng máu được cung cấp cho cho não bị giảm sút, chứng thiếu máu não khiến cho lượng oxy và các dưỡng chất cần thiết cho não bộ cũng bị giảm theo, do đó làm thiếu năng lượng để duy trì ổn định các hoạt động của não bộ, ảnh hưởng xấu đến chức năng và cấu trúc hệ thần kinh.

Khi lượng máu lên não bị thiếu hụt, có thể dẫn tới rối loạn tuần hoàn não. Khi tuần hoàn não bị ngưng 7 - 10 giây có thể dẫn đến ngất xỉu, ngưng từ 4 phút trở lên có thể hủy hoại các tế bào não và không thể phục hồi. Triệu chứng này thường có xu hướng lặp đi lặp lại nhiều lần khi không được điều trị dứt điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và cả tương lai về sau.

2. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu máu não

Tình trạng thiếu máu não thường xuất hiện nhiều ở những người trung niên, theo các số liệu thống kê, có tới 2/3 người lớn tuổi mắc phải, tuy nhiên hiện nay chứng bệnh này đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Thiếu máu não có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.

2.1. Do cơ thể người chứa các bệnh lý tiềm ẩn

Xơ vữa động mạch: phần lớn các trường hợp bị thiếu máu não là do sự xơ vữa và lão hóa ở động mạch. Khi lòng mạch hẹp, lượng oxy được cung cấp cho não sẽ giảm khiến cho lượng máu được dẫn tới não cũng sẽ bị giảm sút.

Xơ vữa động mạch được bắt nguồn từ các gốc tự do. Các gốc này được sản sinh ra do một số hoạt động trong lối sống sinh hoạt như: lao động quá sức, thường xuyên ở trong tình trạng căng thẳng, nóng giận, sử dụng nhiều bia rượu và các chất có cồn, thuốc lá, hoặc gặp phải cú sốc tinh thần lớn.

Chấn thương cột sống và thoái hóa đốt sống cổ: các cột sống và đốt sống bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến các mạch máu, làm giảm hiệu quả quá trình cung cấp máu lên não.

Các bệnh liên quan đến tim mạch: các vấn đề về tim và lưu thông máu của hệ tuần hoàn có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu từ tim lên não.

Tăng huyết áp: làm tăng áp lực của dòng máu lên thành mạch máu, làm giãn, phình và gây tổn thương mạch, dẫn đến nguy cơ chảy máu não hoặc hình thành các mảng xơ vữa, cản trở quá trình lưu thông máu lên não.

2.2. Do các hoạt động có trong lối sống sinh hoạt hàng ngày

Thường xuyên căng thẳng, nóng giận, làm việc quá sức: làm sản sinh nhiều gốc tự do, tác động trực tiếp đến thành mạch máu một cách tiêu cực, thúc đẩy quá trình hình thành các mảng xơ vữa.

Thường xuyên hút thuốc lá, lạm dụng cà phê và sử dụng các chất kích thích có cồn như rượu, bia: làm tăng nguy cơ hình thành cục máu động trong lòng mạch máu.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, nhiều dầu mỡ và ít chất xơ: làm hẹp lòng mạch máu, ảnh hưởng xấu đến quá trình lưu thông dòng máu.

Lười vận động: cơ thể ì ạch có thể khiến cho quá trình lưu thông máu trở nên chậm chạp và gặp nhiều khó khăn hơn.

Khi ngủ gối đầu quá cao: làm cản trở quá trình lưu thông của dòng máu đến não. Vì vậy nên tránh sử dụng gối cao quá 15cm khi ngủ và nghỉ ngơi.

nguyên nhân dẫn đến thiếu máu não

3. Những dấu hiệu khi mắc phải tình trạng thiếu máu não ít ai ngờ tới

Tình trạng thiếu máu não do các hoạt động trong lối sống sinh hoạt hàng ngày thường diễn ra một các âm thầm và không dễ dàng để nhận biết ngay lập tức, khiến cho nhiều người chủ quan, xem nhẹ các dấu hiệu của triệu chứng.

Tình trạng này được biểu hiện thông qua nhiều dấu hiệu khác nhau, tùy vào mức độ nặng – nhẹ và thời gian ủ bệnh ở từng người. Một số dấu hiệu phổ biến nhất thường gặp là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh, cáu giận vô cớ, ngủ nghỉ không sâu giấc và không đúng giờ, cơ thể mệt mỏi, tê mỏi chân tay, trí nhớ kém, khả năng tập trung giảm sút, ù tai, mờ mắt…

biểu hiện của việc thiếu máu não

4. Tại sao tình trạng thiếu máu não hiện nay ngày càng trẻ hóa?

Thiếu máu não thường xuất hiện ở những người lớn tuổi, tuy nhiên trong cuộc sống hiện nay, tình trạng này đang ngày càng trẻ hóa, lượng người trẻ mắc bệnh thiểu năng tuần hoàn não (rối loạn tuần hoàn não) hay tai biến mạch máu não, thậm chí là tử vong do căn bệnh này trong khoảng 25 – 40 tuổi ngày càng nhiều. Vậy đâu là lý do dẫn tới hiện trạng này?

Những ảnh hưởng tiêu cực từ lối sống hiện đại như thường xuyên phải làm việc quá sức, thức khuya, luôn ở trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, lạm dụng đồ ăn nhanh và cà phê, bên cạnh đó lại ít vận động thể chất, ngủ không đủ giấc, và cả những yếu tố khách quan từ cuộc sống như ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn... chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng thiếu máu não trở nên ngày càng phổ biến trong giới trẻ, nhất là nhân viên văn phòng, người lao động trí óc và những người có tiền sử bị xơ vữa mạch máu, tiểu đường, rối loạn mỡ máu...

Ngoài ra, chính tâm lý chủ quan, và cũng bởi những triệu chứng bệnh ban đầu ít ai ngờ tới của thiếu máu não mà nhiều người trẻ đã không phòng tránh kịp thời, “ỷ lại” vào độ tuổi và sức khỏe của mình khiến cho hiện trạng này ngày càng trở nên phổ biến.

thiếu máu não ngày càng trẻ hóa

5. Điều trị và phòng ngừa tình trạng thiếu máu não như thế nào?

Hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị chấm dứt hoàn toàn tình trạng thiếu máu lên não. Các phương pháp điều trị đang được áp dụng chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ thúc đẩy quá trình cung cấp máu và các dưỡng chất cho não bộ. Vì vậy, việc phòng và cải thiện tình trạng này ngay từ khi mới xuất hiện những dấu hiệu nhẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Một số biện pháp giúp hạn chế tình trạng thiếu máu não:

- Đảm bảo chế độ ăn uống phù hợp: cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt chú ý đến các chất giúp tăng cường quá trình tạo máu là các thực phẩm giàu omega 3, polyphenols và nitrat. Bên cạnh đó, cần hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến từ mỡ động vật, phụ gia thực phẩm và các chất kích thích.

- Thường xuyên vận động nâng cao thể chất: nhằm quá trình lưu thông máu diễn ra hiệu quả hơn. Đối với những người đã mắc phải tình trạng thiếu máu não thì nên vận động ít nhất 30 phút/ngày với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga và các bài tập khác phù hợp với thể trạng sức khỏe của từng người.

- Duy trì thái độ sống tích cực, lạc quan: hạn chế tối đa những căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, có thể dành một khoảng thời gian từ 10 – 15 phút mỗi ngày để tự mát xa mặt và cổ, đặc biệt cần tránh tình trạng lao động quá sức.

- Chủ động khám sức khỏe định kỳ thường xuyên: nhằm kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình một các hiệu quả hơn, đồng thời có thể phát hiện và loại bỏ nguy cơ mắc các bệnh tiềm ẩn có khả năng dẫn tới tình trạng thiếu máu.

biện pháp phòng ngừa thiếu máu não

6. Một số thực phẩm nên sử dụng khi bị thiếu máu não

Một chế độ dinh dưỡng phù hợp có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ mắc tình trạng thiếu máu não, đồng thời cũng có khả năng cải thiện triệu chứng này một cách hiệu quả.

- Rau chân vịt (hay còn gọi là rau bina hoặc cải bó xôi): hỗ trợ cung cấp nhiều chất sắt, vitamin B12 và axit folic, giúp làm tăng các tế bào hồng cầu.

- Gan, tim và huyết động vật: bổ sung chất đạm và sắt, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu.

- Trứng gà: cung cấp protein, canxi, sắt và photpho cùng với nhiều loại vitamin giúp cho quá trình tạo máu của cơ thể diễn ra hiệu quả hơn.

- Cá hồi: là thực phẩm giàu kẽm, kali, canxi, omega 3, axit béo và nhiều loại vitamin rất tốt cho các hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

- Thịt bò: bổ sung đạm, sắt , vitamin B2, B6 và B12, hỗ trợ quá trình tái tạo các tế bào hồng cầu, tăng lượng oxy dẫn tới não.

- Cà rốt: là thực phẩm có chứa lượng beta-carotene dồi dào, hỗ trợ tăng cường thị lực, vitamin B, C cho mắt và não bộ, đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất và lưu thông máu.

- Súp lơ xanh: là thực phẩm chứa nhiều chất xơ và chất sắt, ngoài ra, hỗ trợ bổ sung vitamin A, C và Mg rất tốt cho sức khỏe và giấc ngủ.

- Bí ngô: là một trong những thực phẩm tốt nhất cho não bộ, có chứa nhiều caroten, sắt, protein và kẽm.

- Rau cần tây: là thực phẩm rất lành tính, chứa hàm lượng kẽm, sắt, acid amin và vitamin dồi dào, vừa có khả năng cải thiện giấc ngủ, vừa giúp tuần hoàn máu hiệu quả và thanh lọc cơ thể.

- Các quả mọng (cherry, mâm xôi hay dâu tây...): giàu chất chống oxy hóa, vitamin C, kẽm, chất xơ… giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Bên cạnh đó cũng có thể sử dụng một số thực phẩm chức năng hỗ trợ não bộ, giúp tăng sức đề kháng cho não và duy trì cả cơ thể khỏe mạnh hơn.